CÁC LOẠI SƠN

CÁC LOẠI SƠN

- Căn cứ vào nguyên liệu dùng làm sơn và đặc tính của sơn, người ta phân chia các loại sơn như sau:

1. Sơn dầu

- Sơn dầu có 2 loại là sơn dầu thuần tuý và sơn dầu có nhựa.

- Sơn dầu thuần tuý: Chỉ có thành phần dầu thảo mộc, bột màu và dung môi, không có thành phần nhựa thiên nhiên tham gia. Bởi vậy màng sơn không được bóng, kém bền vững. Loại sơn này chỉ dùng vào những công việc bình thường như sơn lên vải, làm vải che mưa, sơn tường nhà và trần nhà, ít sử dụng trong ngành công nghiệp cơ khí.

- Sơn dầu có nhựa: Gồm 5 thành phần là dầu sơn, nhựa thiên nhiên, bột màu, dung môi và chất làm khô. Màng sơn bền vững đẹp và bóng. Sơn được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp chế tạo, giao thông vận tải, xây dựng. Sơn dầu có nhựa chia làm 2 loại, loại sơn gầy có ít thành phần dầu, dùng để sơn vật liệu trong nhà và sơn béo có nhiều thành phần dầu dùng để sơn sản phẩm ngoài trời.

2. Sơn nhựa đường

- Sơn nhựa đường có thể chia ra 4 loại:

+ Sơn nhựa đường không có dầu: Loại sơn này chế tạo từ nguyên liệu dầu mỏ. Dầu mỏ sau khi đã chưng cất, lấy ra xăng, dầu hoả, dầu mazut, nguyên liệu còn thừa lại mới tiến hành chế tạo sơn nhựa đường. Loại sơn này chỉ dùng để sơn những vật liệu thông thường như sơn vào tre gỗ, chống mối mọt.

+ Sơn nhựa đường có dầu: gồm 2 thành phần là nhựa đường và dầu thảo mộc. Sơn này dùng để sơn gỗ, sơn kim loại.

+ Sơn nhựa đường kết hợp với nhựa khác không có dầu

+ Sơn nhựa đường kết hợp với nhựa khác có dầu thảo mộc

- Hai loại trên có màng sơn đen bóng hơn, bền màu hơn, dùng để sơn máy, gầm ô tô, gầm toa xe lửa, các đường ống dầu, ống nước, ống dẫn hơi đốt đi ngầm dưới đất.

- Loại sơn nhựa đường này còn gọi là sơn nhựa bitum. Có 2 loại bitum: Bitum thiên nhiên lấy từ đá dầu, bitum nhân tạo lấy từ dầu mỏ.

3. Sơn tổng hợp

- Trước hết cần phân biệt sự khác nhau giữa sơn tổng hợp và sơn dầu. Sơn tổng hợp và sơn dầu khác nhau ở thành phần gốc nhựa. Sơn dầu dùng nhựa thiên nhiên lấy từ thảo mộc. Sơn tổng hợp dùng nhựa tổng hợp hoá học như nhựa alkyd, nhựa alkyd melanin, nhựa vinyl, nhựa clovinyl... còn các thành phần khác như dầu, bột màu, chất làm khô, dung môi của hai loại sơn dầu và sơn tổng hợp cũng tương tự như nhau.

4. Sơn chống hà

- Sơn chống hà chủ yếu dùng trong công nghiệp đóng tàu biển, cano, xà lan... Biển và vùng nước lợ có nhiều hầu hà thường bám vào phía từ mớn nước đến đáy tàu, ăn mòn kim loại. Để tàu khỏi bị hầu hà ăn mòn và thủng, người ta sơn những lớp sơn chống hà từ mớn nước trở xuống. Tuy sơn chống hà có nhiều độc tố chống các loại hầu hà bám vào đáy tàu.

5. Sơn ta

- Sơn ta lấy từ nhựa cây sơn, nhựa sơn màu trắng nhạt. Cây sơn mọc nhiều ở miền Bắc nước ta. Cách khai thác nhựa sơn tương tự như khai thác nhựa cao su. Nhựa sơn khai thác về để ở nơi bóng tối và có độ ẩm cao. Thùng sơn để khoảng 4-5 tháng, sơn sẽ tự động phân tách thành 4 lớp. Lớp thứ nhất ở trên mặt thùng giống như dầu gọi là sơn dầu, là loại tốt nhất. Lớp thứ hai gọi là sơn đanh, lớp thứ ba gọi là sơn thịt, lớp thứ tư gọi là sơn thiếu.

- Sơn ta dùng để sơn gỗ, sơn kim loại. Màng sơn có màu đen bóng. Màng sơn chịu ẩm tốt, không ngấm nước, chịu được tác dụng của axit H2SO4, HCl, muối ăn mòn, chịu nhiệt, cách điện tốt, độ co giãn đàn hồi cao. Màng sơn đanh và cứng.

6. Sơn bột

- Sơn bột cho phép sử dụng được một số lớn polyme không tan trong dung môi, mà trước đây không dùng làm sơn được. Nhờ tính năng đặc biệt của những polyme này, màng sơn mang nhiều tính chất mới như:

+ Màng sơn có độ bền va chạm, cào xước, mài mòn cao.

+ Màng sơn không bị rỗ nên khả năng bảo vệ bề mặt kim loại cao. Chống được hiện tượng oxy hoá thẩm thấu qua màng sơn vào bề mặt kim loại.

+ Sơn bột bền với hoá chất và có tính năng cách điện tốt.

+ Sơn bột có thể tạo được các màu sắc phong phú và có thể sơn được nhiều loại sản phẩm có hình dáng phức tạp.

+ Màng sơn bột có tính chất bám dính tốt trên thuỷ tinh, sành sứ và kim loại.

+ Màng sơn bột có thể sơn dày mỏng tuỳ ý, tuỳ theo yêu cầu của từng sản phẩm.

+ Sơn bột hoàn toàn không chứa dung môi, nên không gây độc hại, cháy, nổ.

+ Giá thành sơn bột hạ.

+ Sơn bột có thể tận dụng được chất tạo màng của những polyme không tan trong dung môi của sơn mà trước đây không thể dùng làm sơn truyền thống được.

7. Sơn tan trong nước

- Ngoài xu hướng phát triển sơn tổng hợp để dần thay thế sơn dầu thì một hướng phát triển mới của ngành sơn là tìm ra các loại sơn tan trong nước. Các loại sơn dầu, sơn tổng hợp đang dùng hiện nay chứa 30-40% dung môi hữu cơ. Sau khi tạo màng sơn, lượng dung môi bay hơi đi và không thu hồi được, quá trình đó làm cho màng sơn giảm khả năng bảo vệ bề mặt kim loại, mặt khác gây ô nhiễm môi trường sống.

- Việc sử dụng nước làm dung môi cho sơn có ý nghĩa kinh tế to lớn vì nước là dung môi không mất tiền, dễ kiếm, không độc, cháy, nổ. Các loại sơn trong nước như nhựa alkyd, nhựa phenol, nhựa melanin, nhựa epoxy, nhựa acrylat.

- Sơn latex pha loãng bằng nước được sử dụng rộng rãi hơn cả, dùng để sơn tường nhà, đồ gỗ, máy móc kim loại. Sơn latex bao gồm chất tạo màng, bột màu, bột độn, chất thấm ướt, chất bảo quản chống vi sinh vật...

8. Sơn cách điện bitum

- Sơn cách điện bitum cấu tạo từ nhựa đường, dầu thảo mộc, dung môi và chất làm khô. Sơn nhựa đường cách điện dùng trong công nghiệp điện gọi là sơn nhựa bitum. Có hai loại bitum: Bitum thiên nhiên lấy ở đá dầu và Bitum nhân tạo lấy ở dầu mỏ.

- Sơn bitum chủ yếu dùng để sơn các tấm lá thép mỏng ở các biến thế, sơn các lõi biến thế, sơn vỏ bên trong các động cơ điện...

9. Sơn vecni cách điện

- Sơn vecni cách điện có hai loại, loại gốc nhựa thiên nhiên lấy từ thảo mộc và loại gốc nhựa tổng hợp lấy từ than đá. Loại gốc nhựa thiên nhiên gọi là sơn vecni dầu, dầu lấy ở dầu lanh, dầu gai, dầu hướng dương, nhựa thiên nhiên lấy từ nhựa thông, nhựa tùng.

- Màng sơn vecni có độ bền cứng, đàn hồi tốt, chịu nhiệt, ẩm, bền hoá chất và axit, xăng, dầu lửa, cồn. Chất làm khô gồm oxit chì, oxit mangan với tỷ lệ 2-3% theo trọng lượng. Sơn vecni cách điện chịu được sức cản của điện thế phóng qua từ 20-70 KV với màng dày 1mm.

- Sơn vecni cách điện ngoài việc sử dụng ở ngành công nghiệp điện, còn được sử dụng rộng rãi trong ngành sản xuất đồ gỗ. Dùng vecni để đánh bóng mặt bàn, tủ, ghế, giường...